Tester – Họ là ai?
Bạn có bao giờ tự hỏi khi các lập trình viên làm ra một phần mềm hay ứng dụng nào đó thì ai sẽ là người kiểm tra những sản phẩm này? Câu trả lời chính là các tester – chuyên gia kiểm định phần mềm sẽ làm công việc đó.
Trong lĩnh vực phần mềm, ngoài nghề lập trình ra thì nghề kiểm tra chất lượng phần mềm (còn gọi là Tester hay QC Engineer) có vị trí còn khá mới mẻ đối với người học công nghệ thông tin (CNTT). Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm về nghề này nhé, một nghề cũng rất thú vị không kém nghề lập trình.

 

Tiềm năng của nghề
Điều đầu tiên phải nói đến về tiềm năng của nghề đó là nhu cầu nhân lực: đây là một nghề cực kì khát nhân lực. Nhưng những ai theo học ngành CNTT đều đa phần là nghĩ ngay đến nghề lập trình vì thế khiến đầu ra của nghề tester có số lượng thấp hơn hẳn khiến các nhà tuyển dụng lao đao trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực.
Nếu ở nước ngoài, tại các công ty phần mềm, trung bình cứ một lập trình viên thì có tới bốn tester. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, tỉ lệ này giảm xuống còn 1:5, nghĩa là 1 tester tương ứng với 5 lập trình viên và chỉ có những công ty phần mềm lớn mới có đội ngũ nhân viên tester. Với những dự án quan trọng hơn thì tỉ lệ này đôi khi tăng lên 1:3.

Những tố chất để làm tốt công việc tester
– Để kiểm tra trực tiếp trên source code (mã nguồn) của các lập trình viên, các tester cần phải hiểu và thông thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình. Vì thế kiến thức chuyên môn về lập trình là điều đầu tiên cần có của một tester.
– Họ còn phải có được những kỹ năng thiết kế, lập trình, phân tích và hiểu biết về các ứng dụng khác nhau của các phần mềm vì kỹ sư kiểm định phần mềm cũng giống như bác sĩ chẩn bệnh, phải nắm vững kiến thức mới có thể chẩn đoán chính xác.
– Ngoài ra, các tester cũng cần có trình độ tiếng Anh để đọc, hiểu, viết được tài liệu chuyên ngành, để tiếp cận kiến thức mới của thế giới.
– Do đặc trưng của nghề nên các tester phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ, nhạy bén. Nếu đã qua khâu kiểm tra mà sản phẩm vẫn bị lỗi, tester phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
– Cuối cùng, “một kỹ sư kiểm tra chất lượng vừa phải có cái nhìn của người phát triển phần mềm, vừa phải là người dùng đầu cuối”, vì thế để trở thành tester giỏi cần phải phải học nhiều để có tầm nhìn rộng, biết được xu hướng thị trường để tư vấn và đưa ra quan điểm của mình về sản phẩm.